Thi bằng lái xe ô tô sẽ có những điểm mới được thay đổi trong năm 2021. Vậy người thi cần lưu ý những điểm mới nào để thuận lợi lấy được bằng? Cùng đọc qua bài viết sau để có được thông tin chi tiết.
Danh mục
Những thay đổi mới nhất trong việc thi bằng lái xe ô tô
Từ năm 2021, sẽ có một số nội dung mới về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT. Dưới đây sẽ là nội dung chi tiết của từng điểm mới.
Học lái xe với thiết bị mô phỏng
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 38, thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm: Hệ thống máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô. Do đó, từ ngày 31/12/2021, tất cả các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô. Trước đây thì học viên chỉ cần học qua lý thuyết và thực hành lái xe trên ca bin.
Như vậy, ứng viên sẽ phải học thêm cả kỹ thuật lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cả học thực hành lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.
Bổ sung thêm nội dung thi sát hạch lấy bằng lái xe ô tô
Theo Khoản 28 Điều 1 Thông tư 38, các Trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng thêm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông kể từ ngày 31/12/2021.
Như vậy, từ năm 2021 người thi các loại bằng lái ô tô hạng B1, B2, C, D, E, các hạng F sẽ phải thi thêm nội dung sát hạch lái xe trên máy tính. Cụ thể:
– Người thi sát hạch lái xe sẽ phải xử lý các tình huống giao thông được mô phỏng xuất hiện trên máy tính.
– Thi sát hạch được thực hiện trong cabin ô tô mô phỏng.
– Từ ngày 01/06/2022 Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT cũng sẽ bắt đầu sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào chương trình sát hạch lái xe.
Giữ nguyên tổng số giờ đào tạo lái xe nhưng tăng chương trình học
Cũng theo Thông tư 38, khi chưa sử dụng phần mềm mô phỏng, cơ sở đào tạo cần tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian theo chương trình:
– Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên hạng B1, B2, C gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
– Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học nâng hạng gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
– Số giờ học thực hành lái xe trên một xe tập lái sẽ bao gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.
Như vậy, số giờ học đã bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng và thực hành trên cabin. Tóm lại, từ ngày 01/01/2021, tổng giờ học trong chương trình đào tạo lái xe sẽ không thay đổi.
Thay đổi trình tự công nhận kết quả thi Bằng lái ô tô
Trước đây, học viên tham gia học và sát hạch lái xe theo 03 phần: Lý thuyết – Trong hình – Trên đường trường. Tuy nhiên, hiện nay đã bắt đầu học và thi sát hạch với thiết bị mô phỏng trên máy tính nên trình tự thi Bằng lái xe ô tô các hạng đã thay đổi, cụ thể:
Bước 1: Sát hạch phần lý thuyết.
Bước 2: Thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Bước 3: Thực hành lái xe trong hình.
Bước 4: Thực hành lái xe trên đường.
Nhìn chung, những thay đổi này không quá lớn so với quá trình học và thi bằng lái xe ô tô trước đó. Nội dung thay đổi chủ yếu là việc thí sinh sẽ phải thi thêm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính. Trình tự công nhận kết quả thi cũng thay đổi nhỏ. Do đó, ứng viên cần lưu ý khi học và thực hành để xử lý tốt phần thi mô phỏng này.
Điều kiện thi bằng lái xe ô tô
Hiện nay, đã có một số thay đổi khi học và thi các loại bằng lái xe ô tô. Tuy nhiên, những điều kiện và hồ sơ cần thiết để thi bằng lái cho học viên vẫn như trước đây. Vậy trước khi thi bằng lái xe ô tô, bạn nên hiểu rõ điều kiện và hồ sơ cần thiết để có thể lấy được bằng.
Bằng lái xe là gì?
Giấy phép lái xe hay bằng lái xe là loại giấy phép, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể. Chủ sở hữu loại bằng này vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Bằng lái xe ô tô cũng là loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân. Chủ sở hữu bằng có thể vận hành, tham gia giao thông các loại xe ô tô theo quy định của từng hạng bằng.
Điều kiện thi bằng lái xe
Độ tuổi
Là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Đủ tuổi (tính đến ngày thi sát hạch bằng lái xe), sức khỏe, trình độ:
- Đủ 18 tuổi trở lên: Người thi bằng lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2;
- Đủ 21 tuổi trở lên:Người thi bằng lái xe hạng C, FB2;
- Đủ 24 tuổi trở lên: Người thi bằng lái xe hạng D, FC;
- Đủ 27 tuổi trở lên: Người thi bằng lái xe hạng E (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 50 tuổi), FD.
Sức khoẻ
Yếu tố sức khỏe có vai trò quan trọng đối với người cần thi bằng lái xe. Sức khoẻ của họ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sự an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, người tham gia thi bằng cần có giấy khám sức khoẻ do cơ sở y tế cấp.
Một số trường hợp sau sẽ không được thi bằng lái xe:
– Người mắc các bệnh về thần kinh, hoặc chữa khỏi chưa được 24 tháng;
– Người bị cận nặng, bị loạn, dị tật về mắt,…
– Người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp,…
Trình độ văn hoá
Trình độ văn hóa được áp dụng khi ứng viên muốn thi bằng lái xe hạng D, E và FC. Đối với bằng D thì tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp THCS, bằng E là THPT.
Điều kiện về kinh nghiệm lái xe ô tô (đối với nâng hạng)
Kinh nghiệm lái xe ô tô chỉ yêu cầu với trường hợp nâng hạng cho bằng ô tô. Để lái được xe ô tô chở trên 9 ghế ngồi, lái xe đầu kéo thì tài xế phải thực hiện quá trình nâng bằng với nhiều yêu cầu hơn. Tiêu chí đo lường của yêu cầu này là tuổi của bằng lái xe, số km lái xe an toàn.
– Nâng bằng từ B2 lên D, từ C lên E thì tuổi của bằng lái ít nhất là 5 năm.
– Nâng bằng từ C lên D thì tuổi của bằng lái ít nhất là 3 năm.
Hồ sơ thi bằng lái xe
Để thi bằng lái xe, ứng viên cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe;
– Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng với công dân Việt Nam;
– Bản sao hộ chiếu còn giá trị sử dụng 06 tháng và thẻ tạm trú / thường trú hoặc CMT ngoại giao hoặc CMT công vụ đối với người nước ngoài;
– Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế cấp cho người thi bằng lái;
– Ảnh 3×4 hoặc 4×6, tuỳ theo yêu cầu của từng trung tâm.
Quy trình thi giấy phép lái xe ô tô năm 2021
Quy trình thi giấy phép lái xe hiện nay vẫn được thực hiện như trước. Nếu học viên đăng ký tại các trung tâm thì sẽ được hướng dẫn cụ thể từng bước. Trình tự các bước lần lượt như sau;
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký học lái xe
Hồ sơ đăng ký bao gồm các loại giấy tờ đã được nêu ở mục trên.
Học lý thuyết và thực hành tại trường đào tạo lái xe
Để nắm chắc được cả lý thuyết và thực hành, pháp luật khuyến khích việc học ở trường đào tạo. Ở đây, mỗi người sẽ được giáo viên hướng dẫn về pháp luật và các vấn đề liên quan. Thời gian học sẽ tương ứng với hạng bằng mà ứng viên sẽ thi.
Thi tốt nghiệp tại trường đào tạo lái xe
Nội dung thi bao gồm phần lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, bạn sẽ trả lời các câu hỏi về luật định, cấu tạo và sửa chữa xe,…Riêng với phần thi thực hành trên phần mềm này được thiết kế theo dạng 3D. Học viên sẽ có cảm giác chân thực khi học và thi. Nhờ vậy, việc xử lý tình huống bất ngờ của từng học viên sẽ dễ đánh giá hơn. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được tham gia kỳ thi sát hạch để được cấp bằng lái xe.
Thi sát hạch cấp bằng lái xe
Việc thi sát hạch gồm 4 phần như ở phần thay đổi trình tự công nhận kết quả thi bằng lái ô tô bên trên. Nếu bạn đã được dạy học lái xe uy tín tại trung tâm thì sẽ được đảm bảo phần lý thuyết như phần thi tốt nghiệp tại trường đào tạo. Phần mô phỏng chính thức áp dụng từ 1/5/2021 với thời gian học là 3 giờ.
Ở phần thực hành, bạn sẽ được kiểm tra một số nội dung như dừng và đỗ xe, dừng và khởi hành xe trên dốc, xử lý tình huống bất ngờ,… Ngoài ra còn có thao tác cua xe, đường quanh co, đỗ xe,…
Theo Thông tư 38, việc công nhận kết quả với người thi Bằng lái ô tô thay đổi như sau:
– Nếu không đạt phần lý thuyết thì không được thi phần mềm mô phỏng;
– Nếu không đạt nội dung sát hạch bằng phần mềm mô phỏng thì không được thi thực hành trong hình;
– Nếu không đạt nội dung thực hành trong hình thì không được thi sát hạch lái xe trên đường;
– Đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành lái xe trong hình nhưng không đạt kết quả sát hạch lái xe trên đường thì kết quả được bảo lưu trong một năm;
– Đạt đủ các nội dung: Lý thuyết, thực hành được công nhận trúng tuyển và được cấp Bằng lái xe.
Khi thi lý thuyết, nếu bạn bị phát hiện mang thiết bị thu phát sóng sẽ bị đình chỉ thi. Bạn sẽ bị huỷ bỏ cả quá trình và phải thi lại từ đầu.
Nhận bằng lái xe
Bạn sẽ đủ điều kiện cấp bằng lái xe nếu đạt cả phần thi lý thuyết và thực hành. Trong đó, điểm thực hành dựa vào kết quả của việc lái xe mô phỏng và thực hành trực tiếp. Trung tâm đào tạo và thi sát hạch lái xe sẽ nhận và gửi giấy phép cho bạn.
Trên đây là những cập nhật mới nhất về thi bằng lái xe ô tô năm 2021. Trước khi thi bằng, bạn cần nắm được những đổi mới để không phải băn khoăn khi thi. Mong rằng những thông tin trên giúp ích cho bạn đọc trong quá trình thi bằng lái xe.