Bài 2: Dừng xe nhường đường cho người đi bộ

Dừng xe nhường đường cho người đi bộ là bài thi số 2 trong phần sa hình khi thi sát hạch lái xe. Bài viết sẽ cập nhật tất cả các thông tin về quy trình thực hiện, yêu cầu, bí quyết để đạt điểm tối đa cho bài thi. Mời bạn đọc cùng theo dõi từng phần bên dưới.

Dung-xe-nhuong-duong-cho-nguoi-di-bo
Bài 2: Dừng xe nhường đường cho người đi bộ

Các bước thực hiện

Bài thi này tương đối dễ dàng với tất cả các thí sinh dự thi và ít khi bị trượt so với 10 bài thi sa hình còn lại. Nhưng nếu không cẩn thận, bạn vẫn có thể bị trừ nhiều điểm, thậm chí có thể bị truất quyền thi. Vì vậy, không bao giờ là thừa khi tìm hiểu và nắm rõ những mẹo dừng xe nhường đường cho người đi bộ trong bài viết này.

Các bước thực hiện bài thi dừng xe nhường đường cho người đi bộ như sau:

  • Bước 1: Dừng xe ở vị trí hình chiếu thanh cản phía trước (dưới mặt đường) cho tới vạch dừng đỗ sao cho khoảng cách này không vượt quá 50 cm.
  • Bước 2: Dừng xe đủ thời gian quy định
  • Bước 3: Tiếp tục di chuyển tới phạm vi bài thi sát hạch tiếp theo

Chỉ 3 bước đơn giản nhưng bạn liệu có thể thực hiện được đầy đủ các yêu cầu mà bài thi đặt ra? Cùng tham khảo các yêu cầu sau để có cho mình câu trả lời.

Những yêu cầu khi thực hiện bài thi

  • Khoảng cách từ xe cho tới vạch dừng nhường đường cho người đi bộ không được vượt quá 50cm
  • Trong khi thực hiện bài thi, động cơ của xe phải hoạt động liên tục, không được để chết máy
  • Tốc độ xe ổn định, không được vượt quá 4000 vòng/phút
  • Lái xe tuân thủ theo quy tắc của Luật Giao thông Đường bộ
  • Tốc độ lái xe trong khi thực hiện bài thi không được vượt quá 24km/h

Lưu ý thực hiện đúng thứ tự 11 bài thi sa hình sát hạch lái xe ô tô. Nếu thực hiện sai thứ tự, bạn có thể bị trừ điểm rất nặng.

Các lỗi trừ điểm hoặc bị loại trực tiếp

Về mặt kỹ thuật, bài thi dừng xe nhường đường cho người đi bộ thực sự không quá khó. Thực hành thuần thục bài sa hình này trong quá trình học lái sẽ giúp bạn đậu và có bằng lái B2 một cách dễ dàng. Dù dễ nhưng vẫn có một số lỗi thí sinh vẫn mắc phải khi thi. Chủ yếu do thí sinh chủ quan hoặc mất bình tĩnh khi thi.

luu-y-cac-loi-co-the-mac-phai-de-tranh-khi-thuc-hien-bai-thi
Lưu ý các lỗi có thể mắc phải để tránh khi thực hiện bài thi

Một số lỗi bị trừ điểm nặng khi làm bài thi sa hình số 2 như:

  • Lái xe không dừng đúng theo quy định, hiệu lệnh sẽ bị trừ 5 điểm
  • Khoảng cách từ thanh cản phía trước của xe cho tới vạch dừng nhường đường lớn hơn hoặc đè lên vạch đều khiến thí sinh bị trừ 5 điểm
  • Mỗi lần thí sinh để xe bị chết máy đều bị trừ 5 điểm
  • Mỗi lần thí sinh để tốc độ động cơ xe vượt quá 4000 vòng/phút đều bị trừ 5 điểm
  • Cứ mỗi 3 giây thí sinh lái xe vượt quá tốc độ 24km/h đều bị trừ 1 điểm
  • Nếu thời gian thực hiện bài thi dừng xe nhường đường cho người đi bộ vượt quá thời gian quy định, thí sinh sẽ bị trừ 1 điểm cho mỗi 3 giây

Ngoài các lỗi bị trừ điểm kể trên, nếu thí sinh mắc phải 3 lỗi sau đây sẽ bị dừng thi ngay lập tức:

  • Dừng xe, chết máy quá 30 giây
  • Điều khiển xe đi ra ngoài phạm vi bài thi khi chưa kết thúc bài thi, xe leo lên vỉa hè
  • Không xử lý được tình huống nguy hiểm, gây tai nạn
  • Mắc nhiều lỗi liên tiếp, tổng điểm sát hạch dưới 80 điểm

Để không bị mắc lỗi nghiêm trọng trên thì bạn cần thực hiện bài thi một cách nghiêm túc theo đúng hướng dẫn dưới đây.

Hướng dẫn thực hành bài thi

Học viên chưa nắm rõ quy trình của bài số 2 thì có thể tham khảo cách thực hiện sau.

Hướng dẫn

Ở phần thi này, học viên cần dừng xe đúng chỗ ở trước vạch trắng và đường dành cho người đi bộ. Cản xe phía trước ô tô cách vạch dừng không quá 50 cm. Áng chừng sao cho cột Stop nằm giữa tay nắm cửa xe. Ngoài ra, bạn có thể lấy cột biển báo hiệu người đi bộ được đặt ở bên phải đường để làm mốc dừng.

Để tránh việc để cho xe bị chết máy hay bị giật khi dừng xe, hãy để xe đi chậm và nhẹ nhàng. Để khi xe đến đúng vị trí theo quy định, thí sinh chỉ cần ấn phanh nhẹ là xe đã có thể dừng ngay lúc đó. Sau khi dừng, hãy để ý thời gian, bạn không được dừng quá 30 giây. Nếu vượt 30 giây thì thí sinh sẽ bị trừ điểm, dừng xe xong, hãy nhả côn cho xe đi tiếp luôn.

Ngoài ra, bạn có thể tự kẻ vạch chỉ dẫn trên khoảng trống để luyện tập thêm ở nhà. Trên mặt đường kẻ hết chiều rộng lòng đường các vạch song song với tim đường màu trắng chiều rộng 40cm, cách nhau 60cm (hai mép kề nhau), chiều dài của vạch là 2,5m và một vạch ngang màu trắng có chiều rộng 40 cm, vuông góc với trục dọc của đường trước các vạch song song.

Kinh nghiệm

Với tính chất bài thi thì thí sinh cần lưu ý 2 điểm quan trọng, đó là việc ước lượng khoảng cách và không được để xe chết máy khi thi.

Ước lượng khoảng cách

Trong khi học lái xe B2 thực hành, hãy thực hành ước lượng chính xác khoảng cách từ thanh chắn trước xe cho tới vạch dừng khoảng 50cm. Ước lượng được khoảng cách này sẽ giúp bạn luyện được cảm giác nhạy bén khi chính thức tham gia thi.

luyen-tap-nhieu-se-uoc-luong-khoang-cach-dung-xe
Luyện tập nhiều sẽ ước lượng khoảng cách dừng xe

Thông thường, trên sân tập lái xe sẽ có vạch đánh dấu đỏ trên đường hoặc trên vỉa ba toa. Vừa lái xe vừa quan sát, khi thấy vạch đỏ này trên vỉa ba toa thì bạn hãy dừng lại ngay. Trường hợp vạch đỏ trên mặt đường, bạn có thể quan sát được qua gương chiếu hậu. Bạn ước lượng khoảng cách từ xe đến vạch đỏ khoảng 20cm thì dừng lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể ước lượng dựa vào cột biển báo người đi bộ đặt trên lề đường bên phải để làm điểm mốc.

Mẹo tránh chết máy xe khi thi

Với những người mới tập lái xe, việc để xe chết máy hoặc giật nẩy đột ngột là hoàn toàn bình thường. Nhưng bạn cần khắc phục được lỗi này qua thời gian học thực hành. Vì mắc lỗi này sẽ khiến bạn bị trừ nhiều điểm khi thi.

Mẹo thực hiện bài thi này không bị chết máy giữa chừng là lái xe thật nhẹ nhàng, để xe đi chậm. Khi ước lượng được khoảng dừng, bạn chỉ cần ấn nhẹ chân phanh là xe dừng lại được. Căn thời gian dừng của xe không quá 30 giây rồi từ từ nhả côn ra cho xe đi tiếp.

Hiểu được quy trình và nguyên tắc thực hiện bài thi giúp thí sinh nắm trọn điểm phần thi của mình. Tuy nhiên, khi có được kiến thức lý thuyết rồi thì thí sinh vẫn phải trải qua nhiều lần luyện tập trên phương tiện của mình. Chỉ như vậy thì mới có thể áp dụng một cách thuần thục vào thực tế.

Bài tiếp: Bài 3: Dừng xe và khởi hành xe ngang dốc – Đề pa lên dốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *