Xe số sàn B2 được đánh giá là điều khiển phức tạp hơn so với B1. Dưới đây là hướng dẫn lái xe số sàn cơ bản giúp lái xe hiệu quả, an toàn mà bạn cần nắm vững.
Danh mục
Xe ô tô số sàn là gì?
Xe số sàn là gì?
Xe ô tô số sàn (xe số tay) hay tiếng anh là MT – Manual Transmission. Đây là loại xe mà người cầm lái phải trực tiếp điều khiển cần số bằng tay. Nó có thể tăng/giảm số tự động phù hợp với sức tải và tốc độ của xe.
Để hoạt động hiệu quả, xe số sàn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba bộ phận là côn, số và ga. Trong đó, côn là chi tiết đặc trưng của xe số sàn, giúp bạn chuyển số khi xe đang di chuyển. Chân côn nằm ở bên trái, chính giữa là chân phanh, còn bên phải là chân ga.
Hộp số là yếu tố góp phần quan trọng trong việc lái xe ô tô số sàn. Bởi vì đây là cơ cấu trung gian giữa bánh xe và động cơ, dùng để điều chỉnh tải trọng của xe ở vận tốc thích hợp cũng như tối ưu hóa chức năng của động cơ. Hộp số thường hoạt động theo nguyên tắc như sau:
– Xe đi nhanh ở số cao nhưng sức kéo thấp (phù hợp khi đi đường trường với vận tốc nhanh).
– Xe đi chậm ở số thấp nhưng sức kéo mạnh (thích hợp khi xe vừa xuất phát, sắp dừng xe hoặc di chuyển trên đoạn đường xấu).
Phân biệt xe số sàn với số tự động
Muốn phân biệt giữa xe số sàn và xe số tự động, đầu tiên bạn cần chú ý đến số lượng bàn đạp ở dưới chân. Khi thấy có 3 bàn đạp gồm chân côn – phanh – ga, đó là xe số sàn. Còn số lượng chỉ có 2, gồm phanh – ga thì đó là xe số tự động.
Xe số sàn còn sở hữu cần số với các số như R – N – 1 – 2 – 3 – 4 – 5 (thông thường, xe chỉ có 5 số, nhưng cũng có xe 6 số). Còn xe tự động sẽ chứa các ký tự gồm P – R – N – D – 1 – 2 (có thể khác nhau tùy xe).
Ưu nhược điểm của xe số sàn
Ưu điểm
Xe số sàn có nhiều ưu điểm như:
– Giá bán của xe số sàn luôn rẻ hơn xe tự động
Điển hình như mẫu Toyota Corolla Altis 1.8E bản số sàn có giá niêm yết chỉ 697 triệu, trong khi bản số tự động là 733 triệu đồng.
– Tiết kiệm nhiên liệu
Mức tiêu thụ nhiên liệu của xe số sàn thường thấp hơn từ 5 – 15% so với xe tự động tính trên cùng một quãng đường.
– Hộp số sàn ít bị lỗi hơn hộp số tự động
Điều này là do có cấu tạo đơn giản nên hộp số sàn ít khi gặp lỗi kỹ thuật, nhờ vậy giúp người dùng tiết kiệm phí bảo trì và sửa chữa. Đây cũng là lý do xe số sàn thường được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực vận tải.
– Xe số sàn phụ thuộc vào kỹ năng lái xe của tài xế
Những người đam mê ô tô thường có xu hướng lựa chọn xe số sàn bởi loại xe này mang đến trải nghiệm lái phấn khích hơn xe tự động. Dù xe số tự động sở hữu nhiều tính năng hỗ trợ người lái, giúp người lái thoải mái và nhàn hơn nhưng có ý kiến cho rằng điều này mang lại sự nhàm chán.
Nhược điểm
Tuy có nhiều ưu điểm song xe số sàn cũng còn tồn tại một số hạn chế như:
- Khó điều khiển đối với tài xế mới
Đây là nhược điểm dễ nhận biết nhất của xe số sàn, vì thao tác “côn ra ga vào” thường gây khó cho những tài xế mới. Trường hợp tắt máy xe do chưa sử dụng thành thạo chân côn và ga thường xuyên xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần luyện tập thường xuyên và làm quen với xe. Mỗi loại xe sẽ có độ nhạy của chân ga và côn khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sản xuất cũng như tuổi đời của xe.
– Bất tiện khi di chuyển ở tốc độ chậm
Việc điều khiển xe số sàn với tốc độ thấp sẽ gây khó khăn cho tài xế, dù đó là một tay lái lành nghề. Xe số sàn đòi hỏi bạn phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa ga, phanh và côn để xe không bị tắt máy cũng như tránh gây tai nạn.
Trong khi đó, điều này lại khá dễ dàng đối với xe tự động vì người lái chỉ cần nhả phanh là xe sẽ tự di chuyển chậm.
– Ảnh hưởng không tốt đến chân trái về lâu dài
Việc sử dụng côn trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chân trái của bạn, nhất là với những ai sử dụng xe để kinh doanh dịch vụ.
– Vấn đề an toàn khi giao vô – lăng cho người khác
Không thể phủ nhận việc người thường xuyên lái xe số sàn vẫn có thể lái xe tự động, nhưng người ít khi chạm tay vào xe số sàn thì lại gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, bạn không nên nhường tay lái cho người ít lái xe số sàn để đảm bảo an toàn.
Những bộ phận, ký hiệu cơ bản
Ký hiệu xe số sàn
Về cơ bản, các ký hiệu xe số sàn gồm có:
- Số O là số trung gian hay còn được gọi một tên khác là số “mo”. Cánh tài xế hay có câu nói đùa về “mo” tức là về số O số trung gian.
- Các số tiền trên ký hiệu xe số sàn bao gồm: 1, 2, 3, 4, 5,…hiện nay số tiến đã có tới cấp 6 tùy thuộc vào hãng xe cũng như đời xe mà có những quy định khác nhau.
- Số lùi: được ký hiệu là chữ R (Reverse)
Hiện nay hầu hết các hãng xe khi sản xuất xe số sàn đều có in cơ cấu sang số lên cần số để giúp cho người lái dễ dàng hơn trong việc điều khiển.
Cách bố trí sang số
Cách bố trí sang số của xe số sàn cũng khá đơn giản:
- Hàng trên luôn là số lẻ: 1, 3, 5,..
- Hàng dưới luôn là số chẵn: 2, 4, 6,…
- Mặc định cần số nằm chính giữa: Cơ bản thì chính giữa là số “mo“
- Còn về số lùi R (Reverse): Có thể ở trên, có thể ở dưới, hoặc cùng nằm trên hàng của số “mo“. Vì vậy, bạn nên dành ít giây để quan sát sơ đồ trên cần số khi chạy xe
Một số cơ cấu sang số của các dòng xe
Đối với các dòng xe cơ bản nhất:
- Số 1: Lắc cần qua hết bên trái và đẩy lên;
- Số 2: Lắc cần qua hết bên trái và đẩy xuống;
- Số 3: Lắc cần về chính giữa và đẩy lên;
- Số 4: Lắc cần về chính giữa và đẩy xuống;
- Số 5: Lắc cần qua hết bên phải và đẩy lên;
- Số lùi: Lắc cần qua hết bên phải và đẩy xuống;
- Số “mo”: Cho cần về chính giữa. (Số “mo” được ký hiệu nằm trên đường ngang phân chia giữa dãy số lẻ và dãy số chẵn như hình, nên có thể lắc qua phải hay qua trái đều được)
Đối với các dòng xe mới hơn:
- Số 1: Lắc cần qua hết bên trái và đẩy lên;
- Số 2: Lắc cần qua hết bên trái và đẩy xuống;
- Số 3: Lắc cần qua gần hết bên trái và đẩy lên;
- Số 4: Lắc cần qua gần hết bên trái và đẩy xuống;
- Số 5: Lắc cần qua gần hết bên phải và đẩy lên;
- Số 6: Lắc cần qua gần hết bên phải và đẩy xuống;
- Số lùi: Lắc cần qua hết bên phải và đẩy xuống (Có thể bạn sẽ phải kéo thêm cái vòng tròn ở thân cần số lên trên hoặc bóp lẫy nữa thì mới có thể vào số lùi nhé );
- Số “mo”: Cho cần về chính giữa. (Số “mo” được ký hiệu nằm trên đường ngang phân chia giữa dãy số lẻ và dãy số chẵn như hình, nên có thể lắc qua phải hay qua trái đều được)
Đối với các dòng xe cao cấp:
- Số lùi: Lắc cần qua hết bên trái và đẩy lên;
- Số 1: Lắc cần qua gần hết bên trái và đẩy lên;
- Số 2: Lắc cần qua gần hết bên trái và đẩy xuống;
- Số 3: Lắc cần qua gần hết bên phải và đẩy lên;
- Số 4: Lắc cần qua gần hết bên phải và đẩy xuống;
- Số 5: Lắc cần qua hết bên phải và đẩy lên;
- Số 6: Lắc cần qua hết bên phải và đẩy xuống (Có thể bạn sẽ phải kéo thêm cái vòng tròn ở thân cần số lên trên hoặc bóp lẫy nữa thì mới có thể vào số lùi nhé );
- Số “mo”: Cho cần về chính giữa. (Số “mo” được ký hiệu nằm trên đường ngang phân chia giữa dãy số lẻ và dãy số chẵn như hình, nên có thể lắc qua phải hay qua trái đều được)
Đối với các dòng siêu xe cao cấp:
Cách điều khiển cần số này cũng tương tự như các cần số trên, nhưng chỉ khác là:
- Cần này hơi phức tạp vì có tới 7 cấp số, dễ lẫn lộn khi lắc cần số 1 tí
- Số lùi nằm ở trên bên góc bên trái
- Có thêm cấp số 7 nằm ở trên góc bên phải
Hướng dẫn cách lái xe số sàn cơ bản nhất
Tương tự như các loại xe khác, khi muốn điều khiển xe ô tô thành thục, bạn phải bắt đầu từ các điều cơ bản. Dưới đây là các bước hướng dẫn lái xe số sàn cho người mới học.
Cách vào số xe số sàn
Khi thực hiện vào số trên xe ô tô số sàn, bạn hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Đạp chân côn.
- Bước 2: Vào số.
- Bước 3: Nhả chân côn từ từ và đạp nhẹ chân ga.
Cách vào số ô tô số sàn như sau:
- Số 1: Bạn hãy đẩy cần số sang hết bên trái, sau đó đẩy lên.
- Số 2: Bạn hãy đẩy cần số sang hết bên trái, sau đó đẩy xuống.
- Số 3: Bạn hãy đẩy cần số sang về giữa, sau đó đẩy lên.
- Số 4: Bạn hãy đẩy cần số sang về giữa, sau đó đẩy xuống.
- Số 5: Bạn hãy đẩy cần số sang hết bên phải, sau đó đẩy lên.
- Số R: Bạn hãy đẩy cần số sang hết bên phải, sau đó đẩy xuống.
- Số N: Bạn hãy đẩy cần số về vị trí chính giữa của trục ngang.
Các bước lái xe số sàn
Trước khi tập lái xe số sàn, bạn hãy chỉnh ghế sao cho tư thế ngồi thoải mái nhất, sau đó chỉnh gương chiếu hậu để quan sát rộng và thắt dây an toàn.
Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, bạn bắt đầu thực hiện các bước lái xe. Cụ thể:
- Bước 1: Chân trái tài xế cần đạp hết chân côn.
- Bước 2: Kiểm tra xem cần số đã về vị trí N hay chưa. Nếu chưa, bạn hãy chuyển về vị trí N ở ngay điểm giữa của chữ H.
- Bước 3: Chân trái giữ đạp chân côn, tay phải bật chìa khóa để nổ máy xe. Sau khi xe đã nổ máy, bạn có thể nhả chân côn.
- Bước 5: Chân trái từ từ nhả chân côn. Lúc này, bạn không nên nhả nhanh vì xe có thể bị giật và tắt máy. Tốt nhất hãy đợi xe bắt đầu lăn bánh thì mới nhả hết chân côn, còn chân phải bắt đầu đạp nhẹ chân ga.
- Bước 6: Khi xe chạy tới tốc độ khoảng 15 – 20km/h, chân trái tiếp tục đạp chân côn đến hết hành trình, rồi gạt cần số sang số 2, sau đó từ từ nhảy chân côn đồng thời đạp nhẹ chân ga. Nếu cần chuyển sang các số khác, bạn hãy lặp lại
Cách dừng đổ xe số sàn
Nếu cần dừng đỗ xe ô tô số sàn, bạn hãy:
- Bước 1: Chuyển chân phải từ chân ga sang chân phanh, sau đó đạp phanh để giảm tốc độ từ từ.
- Bước 2: Khi xe sắp dừng, chân trái cần đạp chân côn để tránh làm xe bị tắt hoặc giật.
- Bước 3: Khi xe đã dừng hẳn, bạn hãy chuyển cần số về vị trí N.
- Bước 4: Kéo phanh tay và tiến hành tắt máy xe.
Cách lùi xe số sàn
Khi cần lùi xe số sàn, bạn hãy thực hiện:
- Bước 1: Dừng xe và bật đèn cảnh báo để lùi xe.
- Bước 2: Đạp chân côn, chân phanh và chuyển cần số sang số lùi R.
- Bước 3: Từ từ nhả chân côn, sau đó đạp nhẹ chân ga để lùi xe.
Như vậy, nội dung bài viết trên đã cung cấp đầy đủ thông tin về xe ô tô số sàn cũng như hướng dẫn lái xe số sàn cơ bản nhất. Để có thể nhanh quen tay, điều khiển xe dễ dàng, bạn hãy thường xuyên tập luyện nhiều kỹ thuật khác nhau.